Yếu tố giới hạn trong sinh thái học Giới_hạn_sinh_thái

Hình 2: Các yếu tố giới hạn trong hệ sinh thái.
  • Trong sinh thái học, yếu tố giới hạn (limiting factor) gồm tất cả các đặc điểm của môi trường có thể hạn chế sự tăng trưởng, độ phong phú hoặc phân bố của một sinh vật hoặc quần thể sinh vật trong một hệ sinh thái.[8] Điều này đã được Justus Freiherr von Liebig đề cập đến trong một khái quát mà sinh thái học gọi là quy luật cực tiểu Liebig.
  • Theo quy luật này, thì sự tăng trưởng được kiểm soát không phải bởi tổng số tài nguyên có sẵn, mà là bởi tài nguyên hiếm nhất.[9] Nói cách khác, một yếu tố sẽ là yếu tố giới hạn nếu sự thay đổi của nó gây thay đổi cho sự tăng trưởng, độ phong phú hoặc phân bố của sinh vật, còn các yếu tố khác thì không, mặc dù chúng cần thiết cho sinh vật. Các yếu tố giới hạn có thể là vật lý, hoá học hoặc sinh học. Yếu tố giới hạn cũng gây ra sự cạnh tranh giữa các cá thể của một quần thể loài. Ví dụ, không gian phân bố là một yếu tố giới hạn. Nhiều động vật săn mồi và con mồi cần một khoảng không gian nhất định để sinh tồn: thức ăn, nước và các nhu cầu sinh học khác. Nếu mật độ quần thể của một loài quá cao, chúng tăng cường cạnh tranh cho những nhu cầu đó. Do đó, các yếu tố giới hạn đảm bảo ổn định kích thước quần thể ở mức thích hợp với khu vực phân bố, qua đó, một số cá thể phải tìm kiếm triển vọng tốt hơn ở nơi khác (di cư) còn một số khác ở lại và bị chết (bị đào thải).
  • Một số nhân tố sinh thái có khi chẳng có tác động gì, nhưng do biến đổi ở môi trường lại trở nên rất quan trọng. Chẳng hạn ở một số hệ sinh thái thảo nguyên đã nghiên cứu được công bố vào năm 2017, thì natri (một nguyên tố vi lượng) thường không có tác dụng gì, nhưng khi kết hợp với nitơ và phốt pho (các nguyên tố đa lượng) thì thể hiện những tác động tích cực cho hệ sinh thái này.[10]